“Vatican, vương quốc của off”
Các chuyến bay là những giây phút ưu tiên của các nhà báo. © Hình minh họa: Benjamin Tejero
Mỗi giáo hoàng áp đặt phương thức giao tiếp của mình. Để hiểu những người cung cấp thông tin về Đức Phanxicô cho chúng tôi hoạt động như thế nào, chúng tôi đến Rôma gặp nhà báo Loup Besmond de Senneville của báo La Croix ở Vatican.
larevuedesmedias.ina.fr, Mathieu Deslandes, 2022-10-19
Dưới các bức khảm của vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành, một người mặc y phục cổ truyền miền núi xứ Ê-cốt đứng bên cạnh các tu sĩ mặc áo lễ trắng chung quanh bàn thờ. Bầu khí của những chiếc tù và vang lên trong thánh lễ tưởng niệm nữ hoàng Elizabeth II. Ngay sau khi các tu sĩ rời đoàn rước, một giáo dân thường, có râu, trẻ tuổi mặc quần tây cũ mèm đến gần một hồng y. Người đầu là nhà báo Loup Besmond de Senneville, đặc phái viên thường trực báo La Croix tại Rôma; người thứ hai là tổng giám mục Paul R. Gallagher, bộ trưởng Quan hệ với các Quốc gia, bộ trưởng Bộ Ngoại giao của giáo hoàng. Hồng y thấy nhà báo đến, ngài tránh. Nhà báo quay lại và rơi vào một nhóm các đại sứ. Hai tay bắt chéo sau lưng, anh cố gắng có được các cuộc hẹn và thu thập thông tin để viết trong các cuộc điều tra của mình. Anh không lấy số tay ra: không còn ai nói chuyện với anh. Anh nói: “Vatican là vương quốc của off. Gần như không ai có quyền nói với báo chí.”
Một buổi lễ, ba câu tweet
Trong thánh lễ, Loup Besmond de Senneville không rước lễ. Khi được đổi về Rôma làm việc mùa hè năm anh 35 tuổi, người công giáo giữ đạo này tự đặt ra cho mình một đường hướng làm việc: rước lễ khi dự thánh lễ với tư cách cá nhân; không rước lễ khi “làm việc”. Kể từ đó, quy tắc này đã được sửa đổi: anh rước lễ khi anh cảm nhận một “giây phút thiêng liêng”. Sáng thứ tư này đã không như vậy. Anh dành một nửa thì giờ làm việc trên điện thoại thông minh. Đăng ba câu tweet, và nhiều tin nhắn trao đổi với các đồng nghiệp báo La Croix của anh. Câu chuyện của họ: Loup Besmond de Senneville nhận tin tổng thống Pháp Emmanuel Macron sắp đi Vatican, người cho tin muốn cắt dòng tin.
Các bánh nướng nhỏ
Ngày của chuyến đi được thì thầm vào tai nhà vatican học này trong tối tiếp tân hôm trước ở khu vườn tuyệt đẹp của Biệt thự Dòng Malta, trên Aventin, nơi vừa có tân lãnh đạo Dòng. Nhiều đức ông, công chúa, quân đội và các nhà ngoại giao đến đó. Lách giữa các bánh nướng, ly sâm panh, ly spritz và rượu rum mini, nhà báo Loup Besmond de Senneville như cá gặp nước, anh hết nói chuyện với người này đến người kia để có tin tức. Anh nói: “Ở đây, mọi người muốn có tiếp xúc cá nhân. Họ cần gặp bạn vài lần để tin tưởng bạn.”
“Dưới thời Đức Phanxicô, chúng tôi hướng về người la-ti-nô để hiểu tư tưởng của ngài hơn”
Vào đầu mùa thu này, anh đã tiếp xúc với những người có khả năng tiết lộ cho cho anh biết hậu trường cuộc thương thuyết giữa Vatican và Trung Quốc. Và anh tìm cách gặp các nhà thần học Châu Mỹ La-tinh. Anh nói: “Dưới thời Đức Bênêđíctô XVI, các mạng lưới Đức là nguồn tin tốt. Dưới thời Đức Phanxicô chúng tôi chuyển sang người la-ti-nô để rõ hơn suy nghĩ của ngài. Chẳng hạn, về vấn đề đồng tính: có một căng thẳng giữa cấm đoán về mặt giáo lý và một hình thức chào đón mục vụ. Chúng ta có thể thấy đây là đạo đức giả, là mâu thuẫn. Nhưng người la-ti-nô nói với chúng tôi: “Người châu Âu các anh đặt học thuyết lên hàng đầu và phải áp dụng nó như một định luật. Chúng tôi bắt đầu từ thực tế cụ thể, chúng tôi cố gắng làm với nó và hướng tới lý tưởng mà học thuyết muốn thể hiện.”
Ở vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành, người thổi tù và đã đi. Nhà báo Loup Besmond de Senneville lên chiếc Peugeot tay ga của anh – Vespa thì quá đắt – anh lái trên con đường đá cuội Rôma. Anh đậu xe trước cửa hàng lưu niệm tôn giáo, đường della Conciliazione, cách Quảng trường Thánh Phêrô 200 mét, anh vào Sala Stampa – như mọi buổi sáng, anh vào phòng họp báo Vatican. Ở lối vào: bốn mươi hộc thư bưu điện màu xám và một cây chùi nhà mệt mỏi dưới chân đài phun nước. Ở giữa: một chiếc bàn gỗ rất dài. Chung quanh: cabin làm việc được thuê năm. Hộc của báo La Croix ở ô số 2. Ba cơ quan truyền thông khác của Pháp cũng có mặt ở đây: AFP, tuần báo La Vie, và I.Media, một cơ quan chuyên về tin tức Vatican.
Bốn phương tiện truyền thông Pháp có hộp làm việc bên trong Sala Stampa, phòng họp báo của Vatican.
Đến lượt nhà báo Luigi Villano bước vào căn phòng yên tĩnh và vắng lặng này. Ông đặt tờ La Croix ở cuối bàn, nơi đã có báo Avvenire và L’Osservatore Romano. Trong chuyến giao thư này, người chuyển thư đã phân phát hàng trăm ấn bản hàng ngày của nhóm Bayard đến Vatican: cho thư ký của giáo hoàng, cho những người trong ban quản trị của ngài, cho một số đại sứ, một vài hồng y. Ông nói: “Đến một độ tuổi, các đức ông thích có báo giấy. Nhưng với tất cả chúng ta, công nghệ đã thay đổi tất cả. Bây giờ tất cả đều có trên mạng, còn nhiều hơn kể từ ngày có đại dịch, và nhiều nhà báo không còn lý do gì để đến đây nữa. Trước đây, ở đây đông đúc lắm. Và khi người gác cổng thông báo giao bản tin, mọi người chạy đến nhận.”
Bản tin bollettino trong hộp thư
Dù nhiều dịch vụ của Vatican vẫn còn dùng fax và các tin nhắn viết tay, nhưng bollettino, tờ báo chính thức của Vatican từ nay sẽ được gửi qua e-mail vào đúng buổi trưa. Bên cạnh đó, màn hình máy tính của anh với – WhatsApp, Outlook, Tweetdeck, Evernote, Deepl (dịch vụ dịch thuật) và hệ thống quản lý nội dung của báo La Croix đang mở – Loup Besmond de Senneville xem qua tài liệu. Chuyến đi Bahrain của Đức Phanxicô đã được thông báo. 12:01: anh báo tin cho các đồng nghiệp của anh trên nhóm WhatsApp, phân bộ tôn giáo của ban biên tập báo. 12:02: anh tweet tin này. 12:11: AFP công bố tin về chủ đề này. 12:15: Loup Besmond de Senneville chuẩn bị một bài báo ngắn về chuyến đi, bà sếp của anh vừa xin anh bài này.
Trong khi chờ đợi (chính xác là lúc 12:03), nhà báo thông báo cho vợ biết. Vì dĩ nhiên anh sẽ đi theo ngài. Các chuyến tông du để lại những kỷ niệm không thể quên cho những người đi trước anh, tất cả những ai anh phỏng vấn đều lặp lại như thế. Đến Vatican trong thời Covid, nhà báo đã phải hạn chế hoạt động cho đến mùa xuân năm 2021. Sau đó, Đức Phanxicô bay đi Iraq. Trong một nhà thờ ở Karakoch, “nơi ba năm trước đó là trường dạy bắn của tổ chức hồi giáo khủng bố Daesh”, nhà báo Loup Besmond de Senneville đã sống giây phút “thiêng liêng và nhân văn sâu đậm”. Kể từ đó, anh đi 5 chuyến tông du với giáo hoàng: đến Hungary và Slovakia; Síp và Hy Lạp; Malta; Canada; Kazakhstan.
“Mỗi lần Đức Phanxicô lên đường, chúng tôi tự hỏi liệu đây có là chuyến đi cuối cùng của ngài không”
Trên máy bay, ngài đã quen với việc đi chào từng 70 nhà báo đi theo ngài. Các trò chuyện ngắn gọn diễn ra sau đó. Một số tặng ngài các bức vẽ của con cái họ. Người khác xin ngài làm phép một bức tượng hoặc tràng hạt của họ. Tất cả đều săm soi tình trạng sức khỏe của ngài. Nhà báo Loup Besmond de Senneville nói: “Mỗi lần như vậy, chúng tôi tự hỏi liệu đây có là chuyến đi cuối cùng của ngài không. Mọi người sẽ nói, với Đức Gioan-Phaolô II chúng tôi cũng đã đặt câu hỏi này trong mười năm. Nhưng với Đức Phanxicô, từ nhiệm theo ngài là một lựa chọn, như Đức Bênêđíctô XVI đã làm”. Nhà báo cố gắng để “không bị ám ảnh” với câu hỏi này. Nhưng anh ghi lại cách Đức Phanxicô chuẩn bị cho tương lai: “Khi ngài quy tụ 200 hồng y từ khắp nơi trên thế giới về để họ tìm hiểu nhau, thật khó để không xem đó là giai đoạn đầu tiên của mật nghị.”
Nghệ thuật giải mã
Việc giải thích các dấu hiệu là một trong các lãnh vực chính của các nhà vatican học. Tạp chí Văn minh Công giáo, La Civiltà Cattolica một tạp chí của Dòng Tên được xem là cơ quan truyền thông không chính thức của giáo hoàng cũng tìm cách giải mã. Nhà báo Iacopo Scaramuzzi của tờ La Repubblica cho biết: “Người tiền nhiệm của tôi đã làm việc ở Liên Xô và Vatican. Ông ấn tượng bởi những điểm tương đồng giữa hai nơi: tầm quan trọng của các bài-ngầm hiểu, cách đọc chi tiết, nghệ thuật giải mã ý nghĩa của dấu phẩy trong báo Pravda cũng như trong L’Osservatore Romano. Chính sự thiếu minh bạch muốn như thế.”
“Trong quá khứ, các hồng y sẵn sàng đến thảo luận với các nhà vatican học”
Dưới ánh đèn trần hình tròn của phòng họp báo – đèn này có thể so sánh với những vầng hào quang cực lớn – phảng phất một hoài niệm không thể chối bỏ. Bà Michela Nicolais nhận xét: “Chiều kích con người đã thay đổi rất nhiều”, bà là nhà báo của hãng tin SIR của Ý nhấn mạnh. Bà nói, trong quá khứ các hồng y sẵn lòng đến nói chuyện với các nhà vatican học. Và, nhiều lần trong ngày, giám đốc văn phòng báo chí dành thời gian để trả lời các câu hỏi của họ. Bây giờ không còn nữa. Nhưng việc số hóa cách dùng không phải là lý do duy nhất.
Chập mạch
Được bầu chọn để cải tổ Giáo hội, Đức Phanxicô không ngừng làm giảm sức nặng của bộ máy hành chính. Một ngờ vực qua về đã nảy sinh giữa ngài và Giáo triều, trong đó bộ máy truyền thông là một phần. Kết quả: giáo hoàng bỏ dịch vụ truyền thông của chính mình. Dĩ nhiên như thế không tạo điều kiện dễ dàng để thông tin. Nhà báo Anna Kurian của hãng tin I.Media nói: “Mọi thứ đã trở nên phức tạp hơn, có rất nhiều trọng lực.” Bà suy nghĩ một lúc, mắt nhìn lên cuốn băng VHS trên kệ và nói thêm: “Về cơ bản, giáo hoàng buộc chúng tôi phải ra khỏi hộp của mình, phải làm việc trên mạng lưới của chúng tôi, phải đi ra ngoài.”
Đức Phanxicô làm chưng hửng, ngài không ngần ngại nhấc điện thoại lên để gọi trực tiếp cho các nhà báo. Một số người đã là bạn của ngài trong nhiều thập kỷ, như bà Elisabetta Piqué của nhật báo Argentina La Nación, người mà ngài thảo luận về diễn biến cuộc chiến Ukraine khi bà ra mặt trận, và ngài thỉnh thoảng gởi tin nhắn cho bà.
“Một khi bạn được ngài nhận diện, tất cả đều ở trong sự kiên trì”
Các nhà vatican học hiểu, muốn được mời đến phòng 201 của Nhà Thánh Marta, nơi Đức Phanxicô ở thì phải thành công tạo được kết nối cá nhân. Nhà báo Sébastien Maillard, một trong những người tiền nhiệm của Loup Besmond de Senneville cho biết: “Một khi bạn được ngài nhận diện, tất cả đều ở trong sự kiên trì.” Năm 2015, nhân trong một chuyến đi trên máy bay, ông gởi cho giáo hoàng một lá thư, ngài đưa cho người phụ tá của ngài. Hai tháng sau, trong một chuyến đi khác, nhà báo hỏi ngài đã đọc lá thư của ông chưa. Không chắc chắn, ông đưa cho ngài bản sao lá thư. Lần này Đức Phanxicô nhét vào túi. Trong chuyến đi tiếp theo, giáo hoàng nói với ông: “Chúng ta sẽ thực hiện cuộc phỏng vấn này. Tôi sẽ gọi ông.”
Chuyển hướng
Đức Phanxicô cho rất nhiều cuộc phỏng vấn. Nhà vatican học Iacopo Scaramuzzi quan sát: “Ngài thảo luận với giới truyền thông. Ngài hiểu ngài đang đối phó với những người đối thoại tự do, không phải với giáo dân ngoan ngoãn, những người mong đợi sự thật được tiết lộ cho họ. So với các vị tiền nhiệm, đó là một chuyển hướng đáng kể khi họ nghe giọng nói của Đức Phanxicô.”
Giọng nói này vang lên ở đây, tại Sala Stampa, nơi các bài phát biểu chính của Giáo hoàng được phát đi. Tin này được công bố tại một trung tâm tiếp nhận người di cư ở Rôma, vài ngày sau chiến thắng của bà Giorgia Meloni trong cuộc bầu cử lập pháp Ý. Nhà báo Loup Besmond de Senneville gọi cho một đồng nghiệp: “Bạn có nhìn thấy Meloni không, bạn đã nhìn kỹ chưa?” Nhưng các nhà báo không tìm thấy bất kỳ ám chỉ chính trị nào. Bài phát biểu sau đây cung cấp cho họ nhiều tài liệu hơn: giáo hoàng tiết lộ ngài đã cố gắng hòa giải để giải phóng 300 tù nhân Ukraine. Loup Besmond de Senneville sẽ viết một bài báo ngắn về chuyện này: “Một số ngày, giáo hoàng có sáu hoặc bảy bài phát biểu. Tôi cố gắng tách những gì quan trọng với tôi. Đó là công việc đầu tiên và quan trọng nhất của tôi: phân tích lời nói của một người.”
Chiến tranh ở Ukraine: Đức Phanxicô cố gắng hòa giải để giải thoát 300 tù nhân
Bỏ chạy
Độ khó của bài tập: “người” ở đây, vì sợ bị chính ban quản trị của mình chặn, đã công bố các văn bản cơ bản mà không báo trước. Đó là trường hợp tháng 3 vừa qua với hiến pháp mới của Giáo triều. Đó là một ngày thứ bảy, Loup Besmond de Senneville đang lặng lẽ đi dạo cùng gia đình trong công viên Villa Pamphilj thì tin mới ập đến: “Tôi cảm thấy mình trong việc này, tôi vội chạy về.”
Cùng với việc từ chối các cuộc họp giao ban với các nhà báo, sự “không báo trước” này là một trong những bất bình chính của ngài với chính quyền Vatican. Một ngày nọ, khi ngài nhận xét điều này với một trong những người đứng đầu văn phòng báo chí Sala Stampa, người này trả lời: “Ci vuole tempo per essere più veloci” (Cần có thời gian để nhanh hơn). Nhà báo Loup Besmond de Senneville đã in câu này và ghim nó lên bàn làm việc của mình giữa vô số tờ giấy dán có thể thay đổi vị trí, mô phỏng lại sơ đồ tổ chức của giáo hoàng.
Những trò đùa tinh nghịch
Văn phòng này nằm trong một căn phòng lớn, trung bình cứ bốn năm một lần, các đặc phái viên thường trực của báo La Croix và gia đình họ nối tiếp nhau đến đây làm việc. Ở đây, nhà báo làm việc buổi chiều, viết các cuộc điều tra, chuyên mục cuối tuần, đôi khi – nhưng rất hiếm hoi trên tờ báo – lồng vào đó những câu văn tinh quái và mỉa mai.
“Đức tin của tôi không ngăn tôi nói những gì sai trái trong thể chế”
Trong những ngày đầu tiên, nhà báo khá bị thu hút bởi chính trị và các vấn đề châu Âu. Anh không thấy mình “làm việc quá nhiều” về các vấn đề tôn giáo. Anh nói: “Tôi sợ một điều gì đó hơi ngoan đạo.” Bây giờ anh đảm bảo, đức tin của anh không lấn át anh trong công việc: “Điều đó không ngăn cản tôi nói ra những gì sai trái trong thể chế mà tôi là một phần của thể chế. Các vụ tai tiếng có thể làm hư hại hình ảnh tôi có về Giáo hội, nhưng nó không ảnh hưởng đến đức tin của tôi.” Anh gợi ý, chính vì báo La Croix là tờ báo công giáo nên vấn đề được đặt ra là “góp phần tự do ngôn luận và thực hiện công việc của sự thật”.
Cái nhìn trên góc vườn
Trong phòng khách, tủ sách chứa các tập thơ và một chai Ricard nằm cạnh “góc cầu nguyện”. Các cửa sổ mở ra khu vườn với tầm nhìn ra mái vòm của Đền thờ Thánh Phêrô. Nhà báo Loup Besmond de Senneville giải thích nơi làm việc: “Đây cũng là nơi làm việc, chúng tôi có thể tổ chức các buổi ăn tối.” Công việc của anh gần như không bao giờ kết thúc. Anh không phàn nàn điều này, anh nói “đó là một phần công việc”: bốn năm trôi qua nhanh chóng và xứng đáng được sống “hết mình”. Và những buổi tối làm việc không phải là khó chịu… Khi từng giờ trôi qua, đối diện với khung cảnh hùng vĩ này, những tâm sự được trao đổi, những tâm sự được tuôn trào. Trước khi đi ngủ, nhà báo sẽ ghi lại những thông tin gom được. Không có một ảo tưởng nào. Anh biết rằng, một vài giờ sau, anh sẽ nhận tin nhắn gởi về anh: “Tôi nhắc bạn, những gì chúng ta nói với nhau đã off.”
Các đặc phái viên của Vatican trung bình làm việc ở Rôma bốn năm. Vị trí luân chuyển.
Marta An Nguyễn dịch