Vì sao Đức Phanxicô muốn xin người bản địa Canada tha thứ?
Từ ngày 24 đến ngày 30-7, Đức Phanxicô đi Canada để đến thăm các nơi trước đây là các trường nội trú dành cho học sinh bản địa. Sau khi ngài xin lỗi vào đầu tháng 4 năm 2022 khi các phái đoàn người bản địa đến Rôma, nhưng họ xin ngài đến tận nơi để xin lỗi, các vụ ngược đãi đã xảy ra từ năm 1830 đến năm 1996 ở các trường này và thường được giao cho Giáo hội công giáo quản lý.
Edmonton, Maskwacis, Iqaluit … Ngài sẽ gặp các người sống sót ở các trường này. Có khoảng 150.000 trẻ em Inuit, Métis và Quốc gia Thứ nhất đã bị cưỡng bức phải hòa nhập.
Được chính phủ ủy thác cho các dòng tu khác nhau, các trường này có mục đích tách trẻ em khỏi gia đình, ngôn ngữ và văn hóa của các em để “văn minh hóa” và kitô hóa các em. Bứng gốc rễ, bạo lực thể chất và tâm lý, lạm dụng tình duc, điều kiện vệ sinh kém, suy dinh dưỡng… Năm 2021, việc phát hiện có 1.300 hài cốt ở các địa điểm của các trường nội trú cũ đã tập trung sự chú ý của quần chúng vào tình trạng ngược đãi phổ biến này.
Vai trò của Giáo hội công giáo ở các trường nội trú cho người bản địa là gì?
Trong số 139 trường nội trú được chính phủ chính thức công nhận, hai phần ba các trường này do Giáo hội công giáo điều hành. Ngoài hai trường do Dòng Tên quản lý, các trường khác do Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ quản lý, việc giáo dục và sinh hoạt hàng ngày do các dòng nữ phụ trách.
Người bản địa Canada: “Ở trường nội trú, họ muốn giết chết người Anh-điêng trong tôi”
Ông Brian Gettler, phó giáo sư lịch sử tại Đại học Toronto cho biết: “Các tổn thương được một phần hệ thống cấp bậc của Giáo hội biết, dựa trên hồ sơ các trường nội trú công giáo và anh giáo. Các lạm dụng đã được thảo luận với nội dung được che đậy và nhân viên có vấn đề đã được chuyển từ trường nội trú này sang trường nội trú khác.”
Vì sao người bản địa mong chờ lời xin lỗi của giáo hoàng?
Năm 1991, các tu sĩ Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ đã xin được tha thứ vì họ đã loại bỏ “sự phong phú của truyền thống tôn giáo bản địa” và đã có những hành vi “bạo lực tình dục và thể chất” do họ chịu trách nhiệm. Các tổ chức công giáo khác sau đó cũng đã xin lỗi nhưng họ làm theo cách rải rác, “một mớ hỗn độn của những tuyên bố mà nhiều người sống sót và các tu sĩ sẽ không bao giờ biết”, trong báo cáo năm 2015, Ủy ban Sự thật và Hòa giải đã chỉ trích, họ yêu cầu một lời xin lỗi của giáo hoàng nhân danh toàn thể Giáo hội công giáo.
Chuyến tông du của Đức Phanxicô, ai đã xin người bản địa tha lỗi?
Bất chấp yêu cầu của các cộng đồng bản địa, từ lâu Rôma vẫn cho rằng, trách nhiệm với các trường nội trú thuộc về các giáo phận và các dòng tu quản lý. Năm 2009, Đức Bênêđíctô XVI bày tỏ sự hối tiếc về các lạm dụng nhưng ngài không có có lời xin lỗi nào.
Cuối cùng, tháng 9 năm 2021, Tòa giám mục Canada đã chính thức đưa ra “lời xin lỗi rõ ràng vì những đau khổ người bản địa phải chịu đựng trong các trường nội trú” mang lại hy vọng cho các nhà hoạt động bản địa quay về xin giáo hoàng xin lỗi.
Đức Phanxicô đã bày tỏ như thế nào về chủ đề này?
Đức Phanxicô được cho là giáo hoàng gần gũi với người bản địa, năm 2015, ngài đã xin tha thứ “vì những tội ác chống lại người dân bản địa trong cuộc chinh phục châu Mỹ” và năm 2019, ngài tổ chức Thượng hội đồng vùng Amazon. Tuy nhiên, năm 2018, khi thủ tướng Justin Trudeau xin ngài xin lỗi về cụ các trường nội trú, ngài lượng định, qua trung gian Tổng giám mục Lionel Gendron, chủ tịch Hội đồng Giám mục Canada, ngài không thể đáp ứng yêu cầu này một cách cá nhân. Tháng 6 năm 2021, ngài bày tỏ nỗi đau của ngài khi nghe vụ phát hiện các ngôi mộ của các học sinh.
Tuyên bố của ngài ngày 1 tháng 4, trước các phái đoàn bản địa đến Rôma đã mang tính lịch sử. Ngài nói: “Đối với hành vi đáng trách của những thành viên này của Giáo hội công giáo, tôi xin Chúa tha thứ, tự đáy lòng tôi, tôi muốn nói với anh chị em: Tôi thực sự xin lỗi.” Ngài cho biết, ngài “đau buồn, phẫn nộ và xấu hổ” cho vai trò của các người có trách nhiệm trong Giáo hội công giáo trong các vụ ngược đãi mà người bản địa phải chịu, ngài cho là do “não trạng thực dân”.
Đức Phanxicô xin cầu nguyện cho “chuyến hành hương đền tội” của ngài ở Canada
Ngài hứa sẽ tiếp tục xin được tha thứ trên đất Canada. Theo giáo sư Brian Gettler, một cử chỉ “mang nhiều ý nghĩa” cho một số người bản địa: “Họ muốn làm cho giáo hoàng, cho những người ở Canada, ở thế giới theo dõi chuyến đi của ngài thấy các dấu tích của các trường nội trú, các cộng đồng của họ vẫn còn gánh chịu hậu quả thực sự của những việc này.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch