Tin tứcGiáo Hội hoàn vũ

Giáo hội trong mọi trạng huống

by Phanxicovn

Tổng giám mục danh dự André Léonard, của giáo phận Mechelen-Brussels kể cho chúng ta nghe ký ức của ngài về 50 năm tranh luận trong Giáo hội.

La Nef – Cha nói về Công đồng Vatican II có một “chương trình nghị sự ẩn giấu” và một “hậu-công đồng” (méta-concile): ý cha là như thế nào? Có phải công đồng là một trong những nguyên nhân gây ra khủng hoảng trong Giáo hội không?

Tổng giám mục André Léonard – Tất cả các văn bản của công đồng đều đúng về mặt giáo lý, nếu không thì đã không thể được đa số thông qua. Nhưng việc tiếp xúc với một số chuyên gia và nhà báo làm cho tôi nghĩ một số văn bản sau đó được diễn giải theo cách có chủ ý. Và điều này được giám mục của tôi, thư ký Ủy ban Giáo lý xác nhận với tôi. Ngài đã đóng góp cách đúng đắn để Hiến chế về Giáo hội nói về toàn thể Dân Chúa và sau đó mới nói về phẩm trật. Sau công đồng, ngài hiểu chương trình nghị sự ẩn giấu của một số nhà thần học, kết luận thẩm quyền của các giám mục bắt nguồn một cách dân chủ từ người dân chứ không từ chính Chúa Kitô. Đây là khởi đầu của cái mà một số người gọi là “hậu-công đồng”, cụ thể là công đồng đã xem lại và sửa chữa “sau đó” (“méta”, trong tiếng hy lạp).

Cha giữ lại điều gì đáng kể nhất từ khóa đào tạo triết học của cha? Đâu là các nghiên cứu triết học trong các chủng viện và có thể làm gì để chúng trở nên “hấp dẫn” hơn cho ơn gọi trong tương lai?

Điều quan trọng nhất với tôi là đối chiếu tư tưởng của Thánh Tôma Aquinô với triết học hiện đại (Descartes, Kant, Hegel) và triết học đương đại (Sartre, Husserl, Heidegger). Tôi đã làm việc này trong một tác phẩm có tựa đề: Đức tin và Triết học. Hướng dẫn phân định kitô giáo (Foi et philosophies. Guide pour un discernement chrétie, Bruxelles, Culture et Vérité/Lessius). Khá nhiều chủng viện ở châu Âu còn dùng quyển sách này để đối chiếu tư tưởng kitô giáo với văn hóa đương thời.

Còn với các chủng viện, họ phải có ba phẩm chất để thu hút giới trẻ ngày nay: một đời sống phụng vụ và thiêng liêng sâu đậm, một học thuyết không thể bắt bẻ và một sáng kiến thiết thực trong tiếp xúc mục vụ với giáo dân và những người không tin.

Cha giải thích tầm quan trọng của Thông điệp Sự sống Con người (Humanae vitae, 1968): thông điệp này là một bước ngoặt như thế nào? Tránh thai “nhân tạo” là cuộc cách mạng bị đánh giá thấp như thế nào?

Theo Đức Phaolô VI, vấn đề thiết yếu là bảo vệ mối liên hệ chặt chẽ giữa tình yêu vợ chồng và ơn của sự sống. Ngài đã phạm sai lầm khi đúng quá sớm. Ngày nay, chúng ta ghi nhận mối nguy lớn của sự phân cách giữa hai khía cạnh: một bên là đời sống tính dục tự xoay vòng vòng trong chính nó và một bên là sinh sản không liên hệ với một kết hợp hôn nhân cụ thể.

Đức Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô II không lên án ngừa thai vì nó là “nhân tạo”. Ngày nay, các phương pháp không dùng biện pháp tránh thai có một độ tin cậy cao, để các cha mẹ có trách nhiệm áp dụng cũng là “nhân tạo” theo cách riêng của chúng, các phương pháp này đòi hỏi một số quan sát. Nhưng chúng có công rất lớn trong việc đặt nam nữ bình đẳng, qua sự đồng ý với nhau, trong khi biện pháp tránh thai nội tố luôn thuộc phần trách nhiệm riêng của phụ nữ…

Làm thế nào để cha phân tích cuộc cải cách phụng vụ của Đức Phaolô VI và tình hình hiện tại, với một phong trào truyền thống gắn bó chặt chẽ với cái gọi là thánh lễ của Thánh Piô V?

Các Giáo hội đông phương biết nhiều nghi thức. Giáo hội la-tinh phương Tây biết hai hình thức, một hình thức bắt nguồn từ Công đồng Vatican II và một hình thức do Thánh Piô V ấn định. Về phía Đức Bênêđictô XVI, ngài tinh tế giữ cả hai. Chúng ta không thể hủy một nghi thức đã nuôi dưỡng biết bao đời sống thánh thiện và vẫn thu hút người công giáo ngày nay, những người yêu quý ký ức, thinh lặng và thánh ca Gregorian. Sách lễ mới là hoàn toàn chính xác. Thậm chí nó có lợi thế với một phụng vụ Lời Chúa rất phong phú. Thường được linh mục cử hành đối diện với cộng đồng (điều mà công đồng không muốn và chưa có trước đây và vẫn chưa có ở Đông phương), nó mang nguy cơ “chủ nghĩa giáo quyền”, tính cá nhân của linh mục có nguy cơ bị cho là quá quan trọng. Lý tưởng vẫn là có một số linh mục nào đó của cả hai bên sẵn sàng cử hành theo cả hai hình thức của nghi thức Rôma tùy theo nhu cầu mục vụ. Một chút mềm dẽo…

Cha giữ điều gì từ kinh nghiệm giám mục của cha? Làm thế nào để là một giám mục ở châu Âu khi kitô giáo không còn mạnh, khi các giáo phận có số lượng giáo dân và linh mục liên tục giảm?

Tôi không có bài học nào để đưa ra. Nhưng tôi được truyền cảm hứng mạnh mẽ để thực hành điều mà Công đồng Trent yêu cầu các giám mục: thăm viếng thường xuyên tất cả các giáo xứ. Trong 25 năm giám mục của tôi (19 năm ở Namur và 6 năm ở Brussels), tôi đã dành gần 5 năm, ra ngoài tòa giám mục, thăm viếng tất cả các hạt và hầu hết các giáo xứ của hai giáo phận. Đó là những dịp thật tuyệt đẹp tìm hiểu mọi người, giáo dân hay người không tin, học hỏi được nhiều điều, giảng dạy và truyền bá phúc âm.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài viết liên quan

Back to top button