Iran, làn sóng chống đối sau cái chết của cô Mahsa Amini
Cái chết của cô Mahsa Amini, 22 tuổi, bị cảnh sát Teheran bắt vì mang voan che mặt không đúng cách đã dấy lên làn sóng giận dữ trên khắp nước Iran. Bà Azadeh Kian, nhà xã hội học người Pháp-Iran phân tích về các cuộc biểu tình đang gia tăng ở Iran.
lavie.fr, Carole Sauvage, 2022-09-21
Biểu tình tại Teheran ngày 19 tháng 9 năm 2022 ủng hộ cô Mahsa Amini. STRINGER / ANADOLU AGENCY / ANADOLU AGENCY VIA AFP
Cô Mahsa Amini, người Kurd 22 tuổi, qua đời ngày 16 tháng 9 năm 2022 tại bệnh viện Teheran sau khi bị hôn mê ba ngày và hai giờ ở đồn cảnh sát, cô bị bắt vì “mặc quần áo không phù hợp”. Theo tuyên bố của cơ quan cảnh sát phong tục có nhiệm vụ kiểm soát cách ăn mặc của phụ nữ ở Iran thì những sợi tóc của cô lòi ra khỏi mạng che mặt.
Xúc động về cái chết của cô đã không giảm. Ngày thứ hai 19 tháng 9, một cuộc tổng đình công đã bùng nổ tại quê hương cô, và các cuộc biểu tình xảy ra ở Teheran.
Vai trò và quyền lực của cảnh sát phong tục này là gì và tác động của vụ này với xã hội Iran, nơi mà các mối quan hệ với quyền lực tại chỗ đã trở nên quá rối loạn? Bà Azadeh Kian, giáo sư xã hội học, giám đốc phân khoa khoa học xã hội tại Đại học Paris phân tích tình hình.
Vai trò của cảnh sát phong tục mà hành động của họ ngày càng gây tranh cãi là gì?
Giáo sư Azadeh Kian: Cảnh sát phong tục (Gasht e Ershad) được thành lập sau cuộc cách mạng Iran và sau khi thành lập nước Cộng hòa hồi giáo năm 1979 dưới một tên khác. Lúc đó, luật bắt buộc phụ nữ phải đội khăn trùm kín đầu và cổ (hidjab) có hiệu lực, các em bé gái phải che kín tóc ngay từ 9 tuổi. Trước đây, dưới thời Shah Mohammad Reza Pahlavi, không có luật cấm hoặc áp đặt nào về việc mang voan che mặt. Một số phụ nữ mang, một số không.
Bây giờ cảnh sát phong tục thuộc bộ Nội vụ, và hàng ngày phụ nữ Iran phải sống trong sợ hãi và nhục nhã. Còn hơn thế, kể từ cuộc bầu cử tổng thống cực đoan bảo thủ Ebrahim Rạsi tháng 6 năm 2021. Ông là một trong những người trách nhiệm vụ hành quyết 4.000 tù nhân chính trị vào năm 1988.
Đất nước chứng kiến một hình thức taliban-hóa quyền lực ở Iran, phụ nữ bị đàn áp nặng và bị khuyên nên ở nhà, lấy chồng, đẻ con. Theo số liệu của trung tâm thống kê quốc gia Iran năm 2021, các hôn nhân sớm trước tuổi với các bé gái từ 10 đến 14 tuổi tăng 10% năm 2021. Chính phủ cấp cho mỗi đám cưới trẻ này số tiền tương đương năm năm lương tối thiểu.
Như thế có nghĩa kiểu bắt giữ cô Mahsa Amini là thường xuyên xảy ra ở Iran?
Ở Teheran, đó là đời sống hàng ngày của phụ nữ. Nhân viên cảnh sát phong tục đi xe mini tải vòng quanh thủ đô. Các ông lái xe; phụ nữ phụ trách kiểm tra y phục ngồi phía sau. Các nhân viên này xem xét kỹ lưỡng cách ăn mặc của phụ nữ ngoài đường. Một lọn tóc lòi ra ngoài, quần dài không dài đủ, áo ôm sát cơ thể… Bất cứ cách ăn mặc nào cũng có thể là cớ để bắt giữ. Mục đích là để nhắc cho người phụ nữ nhớ, họ là công dân hạng hai.
Các kiểm soát có thể là ngẫu nhiên và cũng có thể rất nghiêm nhặt. Phụ nữ bị đánh đập hoặc bị tát trước khi họ bị ném vào xe tải và đưa đến đồn cảnh sát đặc biệt. Nhiều người sau đó bị bắt và phải đợi người nhà đến đón, một số có thể được thả sau khi trả tiền phạt.
Khi có một vụ bắt giữ như vậy xảy ra, thường thường trước sự thờ ơ của các ông, họ không muốn can thiệp. Thực tế là không có một chính sách nào để bảo vệ phụ nữ trước những cuộc tấn công mà họ phải chịu đựng, dù trong phạm vi công cộng hay tư nhân, một cách nào đó đã làm cho bạo lực trở nên tầm thường với họ.
Tuy nhiên, những kiểm tra như thế này ít thấy ở bên ngoài thủ đô. Iran là quốc gia rất tập trung và Teheran là thành phố có dân số hỗn hợp nhất. Đó cũng là nơi mà khoảng cách giữa chế độ và xã hội ngày càng hiện đại đào sâu nhất. Thêm nữa, chúng ta biết 70% dân số Iran sinh ra sau cuộc cách mạng và bây giờ họ khao khát tự do hơn.
Việc cô Mahsa Amini là người thiểu số Kurd có thể là một yếu tố trong vụ bắt giữ cô không?
Trước hết là không vì cô bị bắt khi cô đến thăm thủ đô với gia đình. Tuy nhiên, nguồn gốc của cô đã đóng một vai trò quan trọng trong phong trào phản đối sau đó. Phần lớn phụ nữ đốt hoặc vứt voan che mặt đến cùng khu vực với cô Mahsa Amini, người Kurdistan thuộc Iran. Hình ảnh của họ lan truyền mạnh trên mạng xã hội.
Video được quay ở Sari. Một cô gái xõa tóc nhảy múa. Cô ném chiếc khăn của cô vào lửa. Iran là hiện trường của các cuộc biểu tình sau khi cô Mahsa Amini qua đời ngày 16 tháng 9 tại đồn cảnh sát sau ba ngày hôn mê.
Tuy nhiên, khu vực với đa số người sunni, ở trong một quốc gia theo dòng shiite bị chính trị hóa rất cao và đòi hỏi một quyền tự trị nhất định với Teheran. Sự chính trị hóa dân số kể cả phụ nữ, giải thích được mức độ của các phong trào trong khu vực sau khi nghe tin cô Mahsa bị chết.
Liệu trường hợp này có thể xem như ngòi nổ, một điểm không quay lui được của Iran không?
Phải nên nhớ trong đầu, cái chết của cô Mahsa Amini xảy ra trong bối cảnh mà thách thức đối với quyền lực tại chỗ đã rất lớn. Do đó, nhiều người Iran xem vụ này là một sai lầm quá nhiều, giọt nước làm tràn ly, rơm làm gãy lưng lạc đà. Tôi cũng không nhớ một huy động nào như thế đã xảy ra ở Iran, với rất nhiều phụ nữ trước đoàn người và tụ tập với nhau. Tất nhiên, đã có nhiều hành động nổi loạn của phụ nữ trong những năm gần đây, nhưng đó là những sáng kiến cô lập hơn.
Do đó, chúng ta có thể nói đây là bước ngoặt của việc gia tăng phản đối quyền lực tại chỗ không?
Vẫn còn quá sớm để nói chắc chắn. Trước hết, vì nếu làn sóng phản đối có vẻ mở rộng trên vùng này thì nó vẫn chưa bao gồm hết Iran. Các cuộc biểu tình và đình công lần đầu tiên bắt đầu ở khu vực Kurdistan của Iran, quê hương của Mahsa Amini cuối tuần 17-18 tháng 9 năm 2022. Phong trào sau đó lan rộng đến các sinh viên ở thủ đô. Một số đoàn biểu tình ở Tehran nhưng vẫn còn rất hạn chế do bị đàn áp.
Sau đó vì cuộc kháng chiến ở Iran không được tổ chức. Những bất đồng chính trị và văn hóa giữa các phe chống đối quyền lực là quá lớn để có thể tưởng tượng ngày mai họ có thể xích lại gần nhau và đưa ra một giải pháp thay thế đủ nghiêm túc cho chính phủ, cả trong mắt các nước láng giềng và cả chính người Iran. Chúng ta cũng không nên quên tình hình kinh tế thảm khốc mà Iran đang trải qua. Việc kêu gọi tổng đình công sẽ làm cho các gia đình phải trả một giá quá đắt.
Chế độ phản ứng thế nào trước các vụ biểu tình này? Họ có cảm thấy bị đe dọa không?
Quyền lực tại chỗ rất lo lắng. Không chỉ vì các vụ biểu tình, nhưng vì họ biết hầu hết người Iran bây giờ muốn có nhiều tự do hơn. Trong những tháng gần đây, Quốc gia đã tiến hành một số thăm dò dư luận về chủ đề này. Tất cả đều nói đại đa số người dân Iran sẽ ủng hộ một cuộc nổi dậy. Điều này xảy ra khi quyền lực ở vào thời điểm tệ nhất: ai sẽ là người kế vị nhà lãnh đạo tối cao, Ali Khamenei, 83 tuổi, người có tình trạng sức khỏe nguy kịch. Hiện nay, chính phủ đặc biệt lo ngại về một cuộc nổi dậy của dân chúng.
Nhận biết câu trả lời sẽ ít nghiêng về thỏa hiệp. Bất chấp những lời tốt đẹp tổng thống Rạsi dành cho gia đình nạn nhân “con gái của quý vị là con gái của tôi”, không ai bị lừa. Như mọi cuộc điều tra khác, cuộc điều tra này sẽ rất cẩu thả, sẽ kéo dài ít nhất ba tuần và sẽ không có một khoan hồng nào với những người đi biểu tình. Hình ảnh cuối tuần này cho thấy lực lượng an ninh đã nổ súng vào các đoàn xe và đã có ba người chết sau cuộc đụng độ đầu tiên.
Marta An Nguyễn dịch