Tin tứcGiáo Hội hoàn vũ

Mười điều làm cho Đức Phanxicô đặc biệt lo lắng

Trong quyển sách xuất bản ngày 18 tháng 10 tại Ý có tựa đề “Nhân danh Chúa tôi xin anh chị em”, Đức Phanxicô đề cập đến 10 điều ngài muốn xin nhân loại “cho một tương lai của hy vọng”. Chiến tranh điên rồ, văn hóa lạm dụng, bảo vệ ngôi nhà chung…

Sau đây là mười điều Đức Phanxicô đặc biệt quan tâm.

Đây là những điểm đáng quan tâm và cũng là nền tảng của hy vọng. Trong quyển sách này, Đức Phanxicô đưa ra mười lời xin “nhân danh Chúa”. Những lo lắng nhưng nếu hiểu cách đúng đắn thì đó cũng là động lực để hy vọng.

Đức Phanxicô viết trong quyển sách: “Trong gần mười năm làm giáo hoàng, mỗi tuần giáo dân đều chăm chú nghe tôi. Tôi nói với họ trong buổi tiếp kiến chung, trong giờ Kinh Truyền Tin: ‘Xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Với người tin, tôi nói ‘anh chị em và lời cầu nguyện của anh chị em đã đồng hành với tôi. Với người không tin, tôi nói ‘anh chị em là tần sóng tốt của tôi, là nguồn năng lượng thường xuyên để tôi tiếp tục công việc của tôi’. Vì điều này, trước hết tôi muốn cám ơn anh chị em. Nhưng hôm nay, tôi muốn nói với anh chị em, tôi muốn đòi hỏi ở anh chị em nhiều hơn bình thường một chút và tôi muốn chia sẻ với anh chị em mười yêu cầu mà tôi nhân danh Chúa để đương đầu với thế giới trong hy vọng.”

1. “Nhân danh Chúa, tôi xin chúng ta ngừng chiến tranh điên rồ”

Em bé Ukraine 4 tuổi trên đường di tản khỏi Kyiv tháng 2 – 2022

Trong giờ Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật 27 tháng 2, chỉ vài ngày sau chiến tranh bùng nổ ở Ukraine, từ cửa sổ dinh tông tòa Đức Phanxicô lên tiếng: “Xin tiếng súng im bặt!” Ngài lên án những người dựa vào lô-gích ma quỷ và xảo trá của vũ khí, ngược với ý của Chúa. Lo lắng cho số phận người dân, ngài xin mở hành lang nhân đạo. Những người dân bình thường này mới thực sự là nạn nhân, trên lưng họ là chiến tranh điên cuồng.

Trong lời chúc Urbi et Orbi ngày Lễ Phục sinh 2022, ngài lấy làm tiếc: “Chúng ta đã chứng kiến quá nhiều máu, quá nhiều bạo lực. Lòng chúng ta đầy sợ hãi và đau khổ, anh chị em chúng ta đã phải đi trốn để tránh bom đạn. Đối diện với những dấu hiệu dai dẳng của chiến tranh, cũng như với quá nhiều tin tức đau đớn trong cuộc sống, Chúa Kitô, Đấng chiến thắng tội lỗi, nỗi sợ và cái chết, Ngài khuyên chúng ta đừng buông mình trước sự dữ và bạo lực. Chúng ta hãy để bình an của Chúa Kitô chiếm ngự tâm hồn! Hòa bình là điều có thể, hòa bình là bổn phận, hòa bình là trách nhiệm hàng đầu của mọi người!”

2. “Nhân danh Chúa, tôi xin anh chị em triệt bỏ văn hóa chết chóc mà mọi hình thức lạm dụng đều có nó”

Trong Thư gởi Dân Chúa công bố ngày 20 tháng 8 năm 2018, trong thông điệp tháng 10 năm 2021, Đức Phanxicô xin “triệt bỏ văn hóa chết chóc mà mọi hình thức lạm dụng, tình dục, lương tâm, quyền lực đều có”. Trong chương đầu tiên của tác phẩm kêu gọi “nhổ tận gốc văn hóa lạm dụng khỏi Giáo hội”, ngài xin tha thứ, biết ơn: “Chúng ta đã phạm tội nặng. Chỉ một trường hợp lạm dụng là đã thành chuyện quỷ quái.”

3. “Nhân danh Chúa, tôi xin anh chị em bảo vệ ngôi nhà chung”

Đức Phanxicô, tác giả của Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Si’ xin chúng ta quan tâm đến việc bảo vệ ngôi nhà chung. Ngài nói, môi trường là lợi ích chung mà con người xem đó là như một tài sản tạm thời, ngài nhắc lại khái niệm tội chống thiên nhiên: “Chúng ta sẽ phải đưa tội ác chống lại hệ sinh thái vào sách Giáo lý.” Ngài chỉ trích thói “háu ăn tài nguyên thiên nhiên” và khuynh hướng bàn chuyện phiếm hoặc những bài phát biểu ầm ỉ ở cấp độ quốc tế. Ngài khẳng định: “Thời gian để hành động là hôm nay, không phải ngày mai.”

4. Nhân danh Chúa, tôi xin truyền thông chống tin giả và tránh nội dung hận thù”

Ngài viết: “Các biên giới truyền giáo mới của Tin Mừng hôm nay là kỹ thuật số.” Ngài khuyến khích sự hiện diện của Giáo Hội trên các mạng xã hội. Ở đây không có vấn đề thay thế thánh lễ bằng chương trình trực tuyến Tiktok hoặc làm meme các vị tử đạo của chúng ta để phát trên mạng, ngài nhấn mạnh tất cả những việc này không thể thay thế tiếp xúc trực tiếp giữa con người với nhau. Nhưng “nhân danh Chúa”, ngài xin truyền thông chống tin giả và tránh các nội dung kích động hận thù. Ngài chỉ trích những “troll” ẩn danh trên Internet, những kẻ hoạt động để tạo ảnh hưởng và thao túng dư luận. Ngài bảo vệ “quyền thay đổi, sửa chữa và hoán cải” và lên án “tư tưởng độc nhất”, phủ nhận lịch sử hoặc muốn viết lại lịch sử, cho rằng “sẽ phán xét những sai sót của quá khứ với tờ báo họ có trong tay”.

5. “Nhân danh Chúa, tôi xin có một chính sách phục vụ vì lợi ích chung”

Ở đây, Đức Phanxicô gởi một thông điệp cụ thể đến các chính trị gia, kêu gọi họ không rơi vào tình trạng tham nhũng. Ngài đi xa hơn khi cho rằng, dù “bị thu hút bởi tiền bạc, đi du lịch hạng nhất không phải là bất hợp pháp nhưng một chính trị gia phải sống tỉnh thức và thắt lưng buộc bụng”. Dĩ nhiên nguyên tắc đầu tiên của học thuyết xã hội Giáo hội, lợi ích chung là công việc của mọi người, nhưng có một khía cạnh cụ thể cho những ai tham gia vào chính trị. Ngài từng giải thích trước đây: “Ai cai quản thì phải yêu dân mình, vì kẻ không yêu thì không cai quản được: tối đa họ có thể giữ được kỷ luật, có một chút trật tự nhưng họ không cai trị được.”

6. “Nhân danh Chúa, tôi xin anh chị em mở cánh cửa và trái tim cho người tị nạn, người di cư”

Đức Phanxicô viết trong một chương dành riêng cho người di cư và tị nạn: “Tôi chưa bao giờ quên anh chị em.” Ngài nghĩ “lương tâm” của các nước phát triển “nên lưu tâm đến từng mảnh đời mất mát của những người vượt sa mạc, vượt đại dương”, với hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Kể từ khi bắt đầu triều giáo hoàng, Đức Phanxicô đã không mệt mỏi làm việc để bắt cầu và xây dựng một xã hội huynh đệ hơn. Trong thánh lễ phong thánh vào đầu tháng 10 năm 2022 cho chân phước Artemide Zatti, nữ y tá người Argentina dòng Salêdiêng, và giám mục người Ý Jean-Baptiste Scalabrini, người đã thành lập một dòng chuyên lo cho người di cư, Đức Phanxicô tuyên bố, việc loại trừ người di cư là tội phạm. Ngài nhấn mạnh: “Việc loại trừ di cư là vô nhân đạo; là một tội, là tội phạm (…) Chúng ta làm cho họ phải đi xa hơn, đến các trại, nơi họ bị bóc lột và bán như nô lệ. Sau đó, ngài đặt câu hỏi cho giáo dân tụ tập ở Quảng trường Thánh Phêrô: “Những người được vào đất nước chúng ta, chúng ta tiếp nhận họ như anh em hay chúng ta từ chối họ?”

7. “Nhân danh Chúa, tôi yêu cầu thúc đẩy và khuyến khích phụ nữ tham dự vào xã hội”

Ở đây, Đức Phanxicô nhắc lại thành công nghề nghiệp và thiên chức làm mẹ không phải xung khắc với phụ nữ, nhưng ngược lại. Trong quyển sách, ngài khẳng định: “Tất cả phụ nữ bị giết chỉ đơn thuần vì họ là phụ nữ hoặc bị cho là công dân hạng hai. Thế giới của chúng ta cần nhiều phụ nữ lãnh đạo hơn.” Đây không phải là những từ ngài dùng lần đầu tiên, ngài đã nhiều lần nói về “thiên tài nữ giới” và sự cần thiết phải có nhiều chỗ cho phụ nữ trong xã hội. Tháng 3 năm 2019 ngài nói: “Nếu chúng ta mơ về một tương lai hòa bình, chúng ta phải dành nhiều chỗ cho phụ nữ.”

8. “Nhân danh Chúa, tôi xin các nước nghèo được hỗ trợ để phát triển”

Trong hệ thống kinh tế “bệnh hoạn, không vững, giết chết và loại trừ”, Đức Phanxicô tố cáo lý thuyết lợi nhuận tràn trề của các nước giàu nhất, mà các nước nghèo nhất phải chờ từng giọt từ thiện: “Là con người, chuyện gì đã xảy ra với chúng ta để mỗi ngày chúng ta không tự hỏi làm thế nào để hội nhập, nuôi dưỡng, chăm sóc, cho ăn mặc cho những người thấp bé nhất xã hội thay vì loại trừ họ?”

9. “Nhân danh Chúa, tôi xin mọi người đều được chăm sóc y tế”

Đức Phanxicô dành một chương sách cho “quyền được chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người”, ngài kiên quyết yêu cầu có vắc-xin chống Covid cho tất cả mọi người. Trong ý chỉ cầu nguyện tháng 4 năm 2022, ngài xin giáo dân cầu nguyện cho nhân viên y tế: “Dịch vụ y tế tốt, đến được với mọi người là một ưu tiên. Ngài nói, đại dịch đã cho thấy rõ tình trạng thiếu khả năng để có “một hệ thống y tế công cộng thích đáng” cho các nước nghèo nhất. Họ không có được các phương pháp điều trị cần thiết để điều trị nhiều căn bệnh họ mắc phải. Ngài xem đây là “kết quả của việc quản lý kém các nguồn lực và thiếu cam kết chính trị nghiêm trọng”, ngài xin các nhà lãnh đạo “của tất cả các quốc gia trên thế giới đừng quên, một dịch vụ y tế tốt đến được với tất cả mọi người là một ưu tiên”.

10. “Nhân danh Chúa, tôi xin đừng dùng danh Ngài để gây chiến”

Trong chương cuối quyển sách, Đức Phanxicô kêu gọi các tôn giáo đoàn kết “đồng lòng lên án bất kỳ nỗ lực nào dùng danh Chúa để biện minh cho bất kỳ hình thức bạo lực hoặc xâm lăng nào”. Ngài nói: “Không ai nghĩ đến việc lấy Chúa làm lá chắn khi lập kế hoạch và thực hiện các hành vi bạo lực và lạm dụng. Vì bạo lực nhân danh Chúa là phản bội tôn giáo”.

Ngài hiểu, không có công thức ma thuật nào để chấm dứt mọi bất công và bạo lực, nhưng một “thái độ sống” nào đó có thể giúp ích. Như thế “ai không còn hy vọng thì không đi đến đâu”. Ngài kết luận: “Không giống như lạc quan, hy vọng không bao giờ phản bội.”

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài viết liên quan

Back to top button