Đức Phanxicô suy yếu, điều gì sẽ xảy ra nếu ngài từ nhiệm?
Đức Phanxicô mệt mỏi trong chuyến tông du Canada cuối tháng 7 vừa qua, từ lâu ngài luôn phủ nhận các tin đồn ngài sẽ từ nhiệm, nhưng những tuyên bố gần đây của ngài cho thấy, ngài không hoàn toàn loại trừ khả năng này. Trong trường hợp này, điều gì sẽ xảy ra với Vatican và nhất là ai là người có thể kế vị ngài?
Đức Phanxicô suy yếu, có thể từ nhiệm trong vài tuần hoặc vài tháng sắp tới. (John Locher / AP / SIPA)
Hình ảnh đi khắp thế giới. Đức Phanxicô suy yếu, ngài buộc phải ngồi xe lăn trong suốt chuyến đi Canada vào cuối tháng bảy, khi ngài đến đây để xin người bản địa tha thứ cho những lỗi lầm trong quá khứ của Giáo hội. Ở tuổi 85, Đức Phanxicô đã giảm bớt sinh hoạt của ngài do bị đau đầu gối trong nhiều tháng qua, ngài còn bị di chứng của thuốc mê trong lần ngài mổ ruột kết tháng 7 năm 2021.
Vấn đề sức khỏe đã làm dấy lên các suy đoán xung quanh khả năng ngài có thể từ nhiệm. Đặc biệt khi từ Canada về, ngài tâm sự với các nhà báo có mặt trên máy bay, ngài công nhận đã gặp khó khăn để duy trì các chuyến đi như trước: “Tôi nghĩ ở tuổi của tôi, với những hạn chế này, tôi phải tiết kiệm sức để phục vụ Giáo hội, hoặc tôi phải nghĩ đến việc để mình sang một bên. Thành thật mà nói, đây không phải là một thảm họa. Chúng ta có thể thay đổi giáo hoàng. Đây không phải là vấn đề. Nhưng tôi nghĩ tôi phải giới hạn một chút với những cố gắng này.”
Về câu hỏi từ nhiệm, ngài xác nhận cánh cửa đã “mở”: “Nhưng cho đến hôm nay tôi chưa đẩy cánh cửa này. Tôi chưa nghĩ đến khả năng này. Nhưng điều đó không có nghĩa là ngày mốt tôi sẽ không bắt đầu nghĩ về nó.”
“Vấn đề thời gian”
Một tuyên bố gợi ý lịch sử có thể lặp lại. Năm 2013, Đức Bênêđíctô XVI là giáo hoàng đầu tiên từ nhiệm kể từ Đức Gregory XII thế kỷ 15. Nhà báo Arnaud Bédat, chuyên viết về các vấn đề của Vatican, tác giả quyển sách Phanxicô, một mình chống lại tất cả: Điều tra về một giáo hoàng đang gặp nguy hiểm (François, seul contre tous: Enquête sur un pape en danger, xuất bản năm 2017). Theo ông, việc từ nhiệm của Đức Phanxicô “có lẽ còn hơn là vấn đề thời gian”, ông cho biết: “Sau chuyến đi Canada, chúng tôi có suy nghĩ, từ nay ngài ý thức và chấp nhận tình trạng sức khỏe của ngài. Hẳn ngài phải tìm đúng lúc để ra đi, nhưng dĩ nhiên ngài chờ Chúa báo cho ngài biết.”
Cơ hội tốt có thể đến nhanh chóng, nhà báo Bédart nói: “Có thể cuối năm hoặc đầu năm sau. Dù sao ngài sẽ chưa ra đi trước khi cố gắng tìm giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine.” Về việc này, ngài đã có chương trình đi Kazakhstan tháng 9 dự đại hội các nhà lãnh đạo tôn giáo, tại đây ngài hy vọng gặp thượng phụ Kyrill, người đứng đầu Giáo hội chính thống Nga và là người ủng hộ cuộc xâm lược của Nga, thân cận với tổng thống Vladimir Putin.
“Chúng tôi rất vui được đón giáo hoàng đến Kyiv trước Kazakhstan”
Ngược lại, có người cho rằng ngài sẽ từ nhiệm trong những tuần sắp tới, khi một công nghị được tổ chức ngày 27 tháng 8, trong đó ngài sẽ bổ nhiệm 21 tân hồng y. Mười sáu tân hồng y dưới 80 tuổi sẽ trong danh sách 131 cử tri có thể bầu tân giáo hoàng khi có mật nghị.
Nếu Đức Phanxicô từ bỏ chức vụ của ngài, điều gì sẽ xảy ra với Vatican? Nhà báo Arnaud Bédat cho biết: “Các hồng y sẽ họp mật ở nhà nguyện Sistine, họ hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài và sẽ bầu tân giáo hoàng. Sẽ phải bầu nhiều vòng vì cần có đủ 75% số phiếu. Nhưng cũng có thể họ đồng ý nhanh chóng.”
Nhiều ứng viên đã được lưu ý
Danh sách người kế nhiệm có tiềm năng, một số tên đã được lưu hành. Nhà báo dự đoán: “Chúng ta có thể nghĩ người kế vị ngài là người ở trong đường lối của ngài, nhưng chắc chắn những người bảo thủ nhất sẽ chiến đấu để giành lại quyền lực.” Nhà báo cho biết: “Một trong những giả thuyết nghiêm túc nhất là hồng y người Ý Matteo Zuppi, tổng giám mục Bologna, người cai quản Cộng đồng Sant’Egidio. Ngài là bạn thân của Đức Phanxicô, cùng theo đường lối với giáo hoàng. Ngài là một trong những nhà thương thuyết lịch sử trong chiến tranh Mozambique.”
Nhà báo nhận xét: “Trong số những người được để ý khác có hồng y Quốc vụ khanh người Ý Pietro Parolin, hồng y Péter Erdő người Hungary và hồng y Dieudonné Nzapalainga người Trung Phi hoặc hồng y người Phi Luật Tân Luis Antonio Tagle, hồng y được nhắc đến rất nhiều nhưng có thể ngài còn quá trẻ.” Vì nguồn gốc địa lý của các hồng y cử tri cũng có thể có tác động đến việc bầu chọn giáo hoàng tương lai, nhà báo giải thích: “Những người đến từ những khu vực giống nhau trên thế giới nhất thiết họ hiểu nhau hơn để có thể đóng một vai trò nào đó. Người châu Âu đông nhất với 53 hồng y cử tri, tiếp theo là các hồng y từ Bắc và Nam Mỹ, sau đó mới đến châu Á, châu Phi. Ngược lại, có ít hồng y cử tri người Ý hơn, và điều này rất đáng kể trong việc bầu chọn Đức Phanxicô năm 2013.”
Với khả năng có một giáo hoàng Pháp thì “dường như không thể xảy ra dù tổng giám mục Jean-Marc Aveline, giáo phận Marseille vừa được Đức Phanxicô phong hồng y có một quá trình rất đặc biệt”, nhà báo cho biết. Dù sao, vẫn còn quá sớm để biết chắc chắn ai là giáo hoàng kế tiếp, đặc biệt là năm 2013, gần như không ai tiên đoán hồng y Bergoglio đắc cử, nhà báo Arnaud Bédat mỉm cười nói. Việc Đức Phanxicô sẽ từ nhiệm là điều sẽ xảy ra, như ngài lặp lại, khi “Chúa ra dấu cho tôi.”
Marta An Nguyễn dịch